Đừng chủ quan khi trẻ đau quặn bụng từng cơn

Trẻ bị đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù phần lớn trường hợp không diễn tiến nghiêm trọng, nhưng đau bụng cũng có thể là dấu hiệu cho các bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh đừng nên chủ quan khi thấy bé bị đau quặn bụng từng cơn. Mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết sau đây để đưa ra hướng xử trí phù hợp khi gặp tình huống này.

Anh-bia-tre-dau-quan-bung

1. Phân biệt các cơn đau bụng ở trẻ

Trước tiên, chúng ta cần phân biệt các cơn đau bụng thường gặp ở trẻ thông qua triệu chứng, vị trí và mức độ của cơn đau:

  • Đau toàn vùng bụng là cơn đau lan ra toàn vùng bụng, không khu trú tại một khu vực cụ thể. Triệu chứng này thường gặp khi trẻ nhiễm virus, khó tiêu, đầy hơi hoặc khi bị táo bón.
  • Đau quặn bụng từng cơn là hiện tượng đau ở vùng bụng quanh rốn, mỗi cơn đau kéo dài vài phút và chu kỳ mỗi cơn lặp đi lặp lại sau vài phút. Triệu chứng này thường do đầy hơi, chướng bụng, có thể đi kèm với tiêu chảy và thường không nghiêm trọng.
  • Đau bụng dữ dội là cơn đau đến từng đợt, thường bắt đầu và kết thúc đột ngột, trẻ khóc nhiều và rất khó chịu. Đây thường là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng như lồng ruột, tắc ruột…
  • Đau bụng khu trú là hiện tượng đau ở một vùng cụ thể trên bụng. Dấu hiệu này cảnh báo trẻ có thể đang gặp vấn đề với ruột thừa, túi mật, xoắn ruột, buồng trứng, tinh hoàn hoặc dạ dày.

Đối với trẻ nhỏ hơn chưa biết nói, chúng ta có thể nhận biết trẻ đang bị đau bụng thông qua các dấu hiệu như trẻ quấy khóc, khó chịu thường xuyên, hay co chân về phía bụng, ăn ít, bú ít…

2. Các nguyên nhân thường gặp khiến trẻ đau quặn bụng

Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa rất phổ biến ở trẻ nhỏ, đối tượng có sức đề kháng yếu và hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện. Rối loạn tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm khuẩn đường ruột, chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng thuốc kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột… Trẻ thường có các triệu chứng như đau bụng, nôn trớ, tiêu chảy, táo bón…

Ngộ độc thức ăn

Ngộ độc thực phẩm rất dễ được phát hiện ra, vì biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra vài giờ hoặc vài ngày sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc. Trẻ bị ngộ độc thường có cảm giác đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu), buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn ra máu, có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38oC.

Tre-dau-bung-do-ngo-doc-thuc-an
Trẻ có thể bị đau quặn bụng do ngộ độc thức ăn

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước.

Hội chứng ruột kích thích

Hầu hết trẻ em đều thường gặp các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón… Tuy nhiên, các triệu chứng trên đường tiêu hóa ở trẻ mắc hội chứng ruột kích thích thường xuyên hơn và có các đặc điểm như sau:

  • Trẻ đau bụng dữ dội, đau quặn khó chịu, có thể hết đau bụng sau khi đi đại tiện.
  • Thay đổi hình dạng khuôn phân, thay đổi số lần đi đại tiện (tiêu chảy, táo bón xen kẽ).
  • Cảm giác đầy hơi, khó tiêu, nặng tức bụng, đi không hết phân.
  • Triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi trẻ ăn hoặc uống các thực phẩm không phù hợp.

Hội chứng ruột kích thích có thể ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt thường ngày và tâm lý của trẻ em. Vì vậy, cha mẹ nên đưa con em đi thăm khám để có chế độ điều trị và dinh dưỡng hợp lý.

☛ Tìm hiểu chi tiết: Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không?

Đau bụng giun

Đau bụng giun cũng rất hay gặp ở trẻ em. Nhiễm giun gây đau bụng vùng rốn ở trẻ em, bụng ỏng, gầy yếu và đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần. Để đẩy lùi triệu chứng đau bụng giun ở trẻ em, cha mẹ cần tẩy giun định kỳ cho trẻ và giữ vệ sinh môi trường sống.

Viêm loét dạ dày

Nếu trẻ bị đau bụng do viêm loét dạ dày, cơn đau thường xuất hiện ở vùng thượng vị hay quanh rốn. Trẻ thường bị đau bụng tái diễn, đau sau khi ăn và đau lúc nửa đêm, có thể kèm theo nôn ói. Ở trẻ lớn, đau bụng vùng thượng vị thường giống như người lớn, đau lâm râm, âm ỉ, đôi khi có cảm giác bỏng rát ở thượng vị.

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là cấp cứu ngoại nhi thường gặp nhất. Cơn đau đặc trưng của viêm ruột thừa thường là đau bụng dữ dội, đặc biệt vùng quanh rốn hay vùng bụng dưới bên phải (còn gọi là vùng hố chậu phải), cơn đau có thể bắt đầu xuất hiện rồi hết sau đó kéo dài và đau nhói, kèm theo hiện tượng bụng trương và sưng lên. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị sốt nhẹ, chán ăn, buồn nôn và nôn, tiêu chảy…

Nếu như không được đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời, viêm ruột thừa có thể gây ra các biến chứng rất nguy hiểm. Ruột thừa bị viêm có thể vỡ trong vòng 24 đến 27 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, gây viêm phúc mạc hay áp xe ruột thừa, nguy cơ dẫn tới nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.

Xem thêm video về Dấu hiệu viêm ruột thừa ở trẻ em:

Lồng ruột

Lồng ruột là hiện tượng một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới, làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Khi các đoạn ruột lồng vào nhau, các mạch máu cũng bị cuốn vào theo. Hậu quả là các mạch máu ruột bị thắt nghẹt, tổn thương, gây chảy máu.

Khi bị lồng ruột, trẻ có biểu hiện đau bụng từng cơn, khóc thét đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn… Ở giai đoạn đầu lồng ruột, trẻ bị nôn ra thức ăn. Ở giai đoạn muộn, trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng, đại tiện ra máu. Các triệu chứng khác bao gồm: trẻ mệt lả, da xanh nhợt, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng, sốt, mất nước…

Đây là bệnh lý rất nguy hiểm đối với trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời thì đoạn ruột bị lồng sẽ bị hoại tử, dẫn tới thủng ruột và gây nhiễm trùng ổ bụng.

3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Khi trẻ bị đau bụng, một vấn đề mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm chính là thời điểm cần phải đưa trẻ đi khám ngay để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và thậm chí là tính mạng của trẻ.

Các chuyên gia cho biết đây là các dấu hiệu cảnh báo trẻ cần sự can thiệp của bác sĩ ngay lập tức:

  • Đau dai dẳng ở vùng bụng dưới bên phải, có thể là dấu hiệu của đau ruột thừa.
  • Đau bụng dữ dội hoặc đau khu trú tại một vùng bụng.
  • Cơn đau ngày càng nặng hơn hoặc đau kéo dài hơn 24h.
  • Khi ấn vào bụng có hiện tượng đau tăng lên, bụng mềm.
  • Bụng sưng lên hoặc bụng cứng khi chạm vào.
  • Đau ở háng, đau hoặc sưng ở tinh hoàn.
  • Sốt không rõ nguyên nhân.
  • Nôn nhiều hoặc tiêu chảy nhiều.
  • Chảy máu từ trực tràng.
  • Có máu trong phân hoặc chất nhầy
  • Có chấn thương ở vùng bụng trong thời gian gần đây.
dau-hieu-dua-tre-di-kham-dau-bung
Cần đưa trẻ đi khám nếu như có các dấu hiệu đau bụng nguy hiểm

4. Cách xử trí khi trẻ bị đau quặn bụng

Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên các ông bố bà mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho bé nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Khi bé ói hay tiêu chảy nhiều, cần cung cấp dịch đầy đủ để tránh cho trẻ bị mất nước bằng dung dịch Oresol, nước đun sôi để nguội, hoặc các dung dịch chế từ thực phẩm như cháo, nước cháo muối, nước gạo rang, nước cơm…. Không cho bé uống một lúc quá nhiều mà nên kiên nhẫn cho bé uống từ từ từng ngụm nhỏ, đặc biệt cần bổ sung sau khi trẻ đi tiêu chảy.

Nên cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục. Cần tránh các thực phẩm khó tiêu và có thể gây kích ứng dạ dày như:

  • Đồ uống có chứa cafein.
  • Đồ uống có ga.
  • Các loại trái cây họ Cam như cam, quýt…
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa.
  • Thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ.
  • Thực phẩm giàu chất béo.

Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc giảm đau, thuốc cầm tiêu chảy khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Để ngăn ngừa nhiều loại đau bụng, nên xây dựng cho trẻ một chế độ sinh hoạt hợp lý ngay từ khi còn nhỏ với các nguyên tắc như sau:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày.
  • Tập thể dục, vận động thường xuyên.
  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
  • Rèn luyện thói quen ăn uống khoa học: ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa chơi.
  • Đảm bảo chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, giàu chất xơ.
  • Đảm bảo thực phẩm sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm kể cả từ nguồn nguyên liệu thực phẩm lẫn gia vị, công cụ chế biến.
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả.
  • Hạn chế thức ăn giàu chất béo hoặc nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế thức ăn sinh ra ga.

Trên đây là các thông tin liên quan đến triệu chứng đau quặn bụng ở trẻ em. Hi vọng bài viết đã giúp các bậc phụ huynh có thêm hiểu biết về các nguyên nhân phổ biến và cách xử trí khi gặp tình huống này.

Tham khảo:

  • https://medlineplus.gov/ency/article/007504.htm
  • https://www.webmd.com/first-aid/abdominal-pain-in-children-treatment
  • https://nhidong.org.vn/chuyen-muc/me-oi-con-dau-bung-c57-615.aspx
Cập nhật lúc: 29/02/2024
⭐ Từ 27/07-06/08: Tích đủ 6 điểm Tràng Phục Linh (nhãn xanh), Quý khách sẽ được tặng ngay 1 hộp Bạch Cam Trà hoặc Tô Sơn Trà Tràng Phục LInh. Chương trình áp dụng song song với khuyến mãi Tích 6 điểm tặng 1 thường niên. Chi tiết chương trình, vui lòng liên hệ hotline miễn cước: 1800.1506
hot line

Tư vấn miễn cước gọi

18001506

Bài viêt liên quan

Xem thêm »

Có thể bạn quan tâm

Cảm giác khó chịu khi bị táo bón hầu như ai cũng đã từng trải qua. Sự khó chịu này

Cảm giác khó chịu khi bị táo bón hầu như

Viêm đại tràng là một bệnh lý đường ruột rất phổ biến tại Việt Nam, không chỉ khiến người bệnh

Viêm đại tràng là một bệnh lý đường ruột rất

Triệu chứng đau bụng, đi ngoài kéo dài gây chóng mặt toát mồ hôi là tình trạng nhiều người gặp

Triệu chứng đau bụng, đi ngoài kéo dài gây chóng

Sữa chứa nhiều dưỡng chất cơ bản quan trọng với cơ thể con người. Khi cơ thể mệt mỏi, đi

Sữa chứa nhiều dưỡng chất cơ bản quan trọng với

Đại dịch Covid -19 là từ khóa được nhắc nhiều nhất trong 2 năm qua, chúng gây ra những tổn

Đại dịch Covid -19 là từ khóa được nhắc nhiều

Loading...