Hỏi đáp: Cha mẹ nên làm gì khi bé 2 tuổi đi ngoài nhiều lần?

Bạn Cao Huệ (Đà Nẵng) có câu hỏi: “Chào bác sĩ, bé nhà em được 2 tuổi, hôm nay bé đi ngoài 4 - 5 lần, phân nhiều nước, sốt nhẹ. Gia đình thì chưa dám cho bé đi khám do đang dịch bệnh nguy hiểm ạ. Nên muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp cho trường hợp của cháu, liệu em có thể làm gì để khắc phục cho con được ạ. Em cảm ơn bác sĩ!"

Trả lời

Chào Cao Huệ, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Trẻ nhỏ với đường tiêu hóa còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, thiếu hụt các yếu tố bảo vệ nên rất dễ gặp phải tình trạng tiêu chảy. Bé 2 tuổi, 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày khá phổ biến. Trong bài viết này, Đại tràng co thắt xin chia sẻ với bạn 5 điều căn bản nên làm khi bé tiêu chảy. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn và gia đình có thêm kiến thức để chăm sóc bé tốt hơn trong thời điểm dịch bệnh này.

1. Tích cực bổ sung nước và điện giải cho bé

Bé 2 tuổi đi ngoài nhiều lần có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Như tiêu chảy do virus (trẻ đi ngoài nhiều lần với phân tóe nước, nôn, trẻ không quá mệt mỏi), do nhiễm khuẩn (phân thường lẫn nhầy máu, trẻ không nôn nhưng thường đau bụng và sốt nhẹ) hay do kháng sinh, ngộ độc thực phẩm... Dù cách xử trí có phần khác nhau nhưng biến chứng nguy hiểm nhất khi tiêu chảy vẫn luôn là mất nước và điện giải. Mất nước khiến trẻ mệt mỏi, suy kiệt, nặng hơn có thể gây tổn thương hệ thần kinh, thậm chí là tử vong. Do đó, quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy là bổ sung đủ nước và điện giải cho bé. Bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 cách sau:
  • Sử dụng Oresol: đây là lựa chọn bù nước và điện giải tốt nhất cho trẻ. Bạn cần pha Oresol theo đúng công thức hướng dẫn trên bao bì và sử dụng hết trong vòng 24h. Cho trẻ uống thường xuyên, từng chút một, khoảng 100 - 200ml sau mỗi lần nôn ói hoặc đi ngoài. Uống đến khi bé đi phân sệt và dưới 3 lần/ngày.
  • Sử dụng nước cháo muối: dùng khi trẻ không thích mùi vị của Oresol. Bạn cần chuẩn bị 30 - 50g gạo, 3 - 4g muối và 5 - 6 bát nước. Cho gạo và nước vào nấu cho đến khi chín nhừ thì dùng rây lọc lấy nước cháo, thêm muối, để nguội bớt rồi cho bé uống.

2. Dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trẻ > 38,5 độ.

Sốt là triệu chứng, không phải là bệnh. Đây thực chất là dấu hiệu tốt cho thấy hệ miễn dịch của bé đang chiến đấu để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus. Tác dụng chính của thuốc hạ sốt là giảm thiểu cảm giác khó chịu cho bé chứ không phải để điều trị bệnh. Do đó khi bé sốt khoảng 38 độ và vẫn ăn uống, vui chơi bình thường thì cha mẹ không nên lo lắng quá và chưa cần sử dụng thuốc hạ sốt ngay. Thay vào đó, bạn nên áp dụng các biện pháp hạ sốt tự nhiên hơn cho bé như chườm nóng và tích cực bù nước điện giải để con đỡ mệt hơn. Chúng ta nên chườm ấm thay vì chườm mát. Vì nhiệt độ cao hơn sẽ giúp lỗ chân lông giãn nở, các mạch máu ngoại vi tăng cường lưu thông, tăng khả năng thoát nhiệt nên từ đó giúp hạ sốt. Nhiệt độ thấp sẽ khiến các mạch máu co lại, giảm lưu thông máu. Mặt khác, nếu chườm lạnh còn có thể gây bỏng lạnh, suy hô hấp nên rất nguy hiểm cho bé. Phụ huynh chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trẻ từ 38,5 độ trở lên. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc hạ sốt cho trẻ em và thường có chung thành phần là paracetamol. Vì vậy cha mẹ không nên tự ý phối hợp nhiều loại thuốc với mong muốn giúp con hạ sốt nhanh chóng. Tuy đây là hoạt chất hạ sốt an toàn nhất nhưng khi dùng quá liều có thể gây tổn thương gan của trẻ. Ở trẻ nhỏ, paracetamol được sử dụng với liều 10 - 15mg/kg/lần, cách 4 - 6h có thể dùng liều tiếp theo. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm để biết hướng dẫn cụ thể nhất. ☛ Tìm hiểu thêm: Trẻ 8 tháng bị tiêu chảy phải làm sao?

3. Bổ sung men vi sinh

Men vi sinh cung cấp các vi khuẩn có lợi nên rất tốt cho đường tiêu hóa của trẻ. Đặc biệt trong trường hợp trẻ tiêu chảy liên quan đến kháng sinh hoặc tiêu chảy nhiễm khuẩn bắt buộc phải dùng tới kháng sinh. Vì bên cạnh việc tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, kháng sinh cũng vô tình làm chết nhiều lợi khuẩn trong đường tiêu hóa. Bổ sung men vi sinh lúc này sẽ giúp bé thiết lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột và chóng phục hồi hơn. Tuy nhiên, không phải men vi sinh nào cũng giống nhau. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy chỉ 3 chủng lợi khuẩn cho hiệu quả rõ ràng và có ý nghĩa thống kê là: L. rhamnosus LR06, L. reuteri và S. boulardii. Như nghiên cứu thực hiện bởi Guandalini (Bộ môn Tiêu hóa, Gan và Dinh dưỡng nhi khoa, ĐH Chicago, Hoa Kỳ) đã tập trung vào tiêu chảy liên quan đến kháng sinh, tiêu chảy nhiễm khuẩn, tiêu chảy mắc phải trong bệnh viện… đánh giá qua 9 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng từ nhiều nơi trên thế giới. Kết quả cho thấy 2 chủng lợi khuẩn L. rhamnosus và S. boulardii mang lại hiệu quả tích cực nhất. Chính vì thế khi lựa chọn men vi sinh cho bé tiêu chảy, bạn nên ưu tiên chọn sản phẩm có thành phần từ các chủng lợi khuẩn này. Bên cạnh đó, bạn nên cho bé uống men vi sinh lúc đói, trước ăn 30 phút hoặc sau ăn 2h để hạn chế lợi khuẩn bị tiêu diệt bởi acid dịch vị, tăng khả năng lợi khuẩn sống sót đến được ruột để phát huy tác dụng.

4. Lưu ý trong chế độ dinh dưỡng

Đi ngoài nhiều lần khiến trẻ mất nước, điện giải, vitamin... Nếu kèm theo sốt thì cứ mỗi lần nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, quá trình chuyển hóa trong cơ thể trẻ lại tăng khoảng 10%, kéo theo nhu cầu năng lượng cũng cao hơn. Chính vì thế mà dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu ý khi bé tiêu chảy.

Trẻ tiêu chảy nên ăn gì?

Khi trẻ tiêu chảy, bạn nên bổ sung cho bé các thực phẩm từ:
  • Gạo.
  • Các loại rau củ có màu xanh, vàng, đỏ: cà rốt, khoai tây, hồng xiêm, chuối...
  • Trái cây: cam, bưởi, chuối, xoài, đu đủ, nước dừa…
Bạn nên chế biến chúng thành các món ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp và thường xuyên thay đổi thực đơn để con thích thú hơn. Trong một số trường hợp, nếu tiêu chảy khiến bé mệt mỏi, không muốn ăn bạn cũng không nên để bé bỏ ăn hẳn mà hãy chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Trẻ tiêu chảy nên kiêng gì?

  • Thức ăn nhiều chất xơ khó tiêu hóa: ngô, đậu đỗ nguyên vỏ, rau bí, măng…
  • Đồ uống có ga.
  • Thực phẩm nhiều đường: nước ngọt, bánh kẹo, trái cây ngọt… vì sẽ khiến trẻ đi phân lỏng hơn.
  • Hải sản, vì một số loại có tính hàn dễ làm trẻ tiêu chảy nặng thêm.
Với dầu mỡ, đạm, thịt thì bạn không nên kiêng hoàn toàn bởi đây vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính cho bé. Thay vào đó, bạn sử dụng chúng với lượng vừa phải và chế biến thành các món cháo dễ tiêu hóa như: cháo thịt bằm, cháo thịt cà rốt... Một số ba mẹ thắc mắc trẻ bị tiêu chảy có nên uống sữa không? Bởi lúc này trẻ lại có xu hướng thích các thức ăn lỏng hơn và việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ nhanh chóng từ sữa cũng là thói quen của nhiều ba mẹ. Thế nhưng khi tiêu chảy, dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì niêm mạc của bé đều ít nhiều bị tổn thương, giảm tiết lactase - men tiêu hóa đường lactose trong sữa, nên từ đó trẻ dễ tiêu chảy khi uống sữa hơn. Trong trường hợp này, khi bé nhà bạn đi ngoài nhiều lần 3 ngày nay, nếu sữa vẫn là thức uống con yêu thích thì bạn vẫn có thể tiếp cho bé uống để đáp ứng đủ năng lượng. Nhưng nếu tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần thì bạn nên ngưng sữa hoặc thay thế bằng sữa free lactose, bởi lúc này đường ruột của bé đã bị tổn thương và mất men lactase. ☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Những thông tin cha mẹ cần biết

5. Đưa trẻ đi khám khi có các dấu hiệu nguy hiểm

Các bé 2 tuổi, 3 tuổi dễ gặp phải tình trạng đi ngoài nhiều lần nhưng phần lớn là các đợt tiêu chảy cấp, thường nhẹ và có thể tự điều trị tại nhà được. Các triệu chứng sẽ xuất hiện rầm rộ trong khoảng 24 - 48h đầu rồi giảm dần. Trẻ có thể tự khỏi sau 2-3 ngày và lâu nhất là 1 tuần. Tuy nhiên, một số ít trường hợp tiêu chảy sẽ kéo dài, trẻ bị mất nước nặng và có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh, thậm chí là tử vong. Vì vậy khi thấy bé gặp các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng dưới đây, bạn cần lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời:
  • Niêm mạc miệng và môi khô.
  • Mắt trũng, trẻ khóc không có nước mắt.
  • 4h liên tục không đi tiểu.
  • Đi ngoài hơn 8 lần trong 6 giờ.
  • Mệt mỏi, li bì.
  • Nôn ói nhiều, đau bụng.
  • Háo nước, khi đưa trẻ nước thì con rất háo hức để uống.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần đưa bé đi khám ngay để bác sĩ kiểm tra kỹ hơn khi:
  • Trẻ vẫn tiếp tục đi ngoài nhiều lần, nôn, ăn uống kém quá 3 ngày.
  • Trẻ sốt > 40 độ.
  • Trẻ nôn trớ nhiều gây mất nước. Đồng thời bổ sung nước qua đường uống kém hiệu quả.
  • Có máu trong phân. Lúc này, bạn cũng nên mang phân của bé theo để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh và biết cách dùng thuốc đúng.
Không nên tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây khỏi bệnh giả, khiến bệnh lâu khỏi và trầm trọng hơn. Cũng không nên tự ý dùng kháng sinh vì có thể gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột và không phải trường hợp tiêu chảy nào ở trẻ cũng cần dùng kháng sinh.
Trong sinh hoạt hàng ngày, bạn cũng cần hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng tránh lây lan và tái nhiễm bệnh. Những chất thải của trẻ và tã lót, giấy lau cần được xử lý sạch sẽ ngay. Trên đây là 5 điều bạn cần lưu ý thực hiện khi bé 2 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày. Nhìn chung, phần lớn các trường hợp tiêu chảy ở trẻ thường nhẹ và cha mẹ có thể xử lý tại nhà được. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp tiêu chảy nặng và kéo dài. Vì vậy, bạn hãy chú ý theo dõi tình trạng của con để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghiêm trọng. Tài liệu tham khảo:
  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21992955/
  • https://bvndtp.org.vn/cham-soc-tre-tieu-chay-cap-tai-nha/
  • https://bvndtp.org.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-benh-tieu-chay-o-tre/
 

Bài viết liên quan

Xem thêm »
Loading...