Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Những thông tin cha mẹ cần biết

Tiêu chảy cấp là một trong những căn bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Vậy tiêu chảy cấp là gì? Tiêu chảy cấp ở trẻ em có nguy hiểm không? Điều trị và phòng ngừa thế nào? Để giải đáp những thắc mắc trên, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

tieu-chay-cap-o-tre-em
Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Những thông tin cha mẹ cần biết

Tiêu chảy cấp là gì?

Định nghĩa về tiêu chảy cấp ở trẻ em có sự thay đổi theo độ tuổi:

☛ Trẻ trên 6 tháng tuổi: Trẻ bị tiêu chảy cấp khi đi ngoài nhiều gấp 2 hoặc 3 lần so với mọi ngày (khoảng 3 – 5 lần/ ngày).

☛ Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Bình thường, trẻ đi ngoài từ 3 – 10 lần/ ngày, phân có màu vàng, màu xanh lá cây hoặc nâu. Ngoài ra, những trẻ bú mẹ có thể đi ngoài nhiều lần hơn so với trẻ uống sữa công thức. Khi trẻ đi ngoài nhiều hơn số lần trên kèm theo tình trạng phân bất thường về màu sắc, phân có mùi chua hoặc sủi bọt thì đây là dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy cấp.

Tình trạng tiêu chảy cấp chỉ diễn ra trong khoảng 14 ngày (thông thường là 7 ngày). Nếu tình trạng tiêu chảy diễn ra kéo dài hơn 14 ngày được gọi là tiêu chảy mạn tính.

Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy cấp

Hầu hết trẻ bị tiêu chảy cấp do ăn phải các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thức ăn nhiễm vi khuẩn (Salmonella, Campylobacter jejuni, Shigella, Vibrio cholerae), virus (Rota) hoặc kí sinh trùng (Giardia lamblia, Histolytica, Cryptosporidium).

Một số yếu tố làm gia tăng khả năng trẻ bị tiêu chảy cấp là:

  • Trẻ từ 6 – 11 tháng tuổi. Đây là độ tuổi trẻ bắt đầu ăn dặm nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus qua thức ăn.
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc sau khi bị sởi.
  • Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
  • Thời tiết lạnh – thời điểm virus Rota hoạt động mạnh nhất.
  • Trẻ có thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh như bú bình, thường xuyên quên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,…

Triệu chứng của trẻ khi bị tiêu chảy cấp

Biểu hiện trên đường tiêu hóa

☛ Tiêu chảy: Đây là triệu chứng điển hình khi trẻ bị tiêu chảy cấp. Trẻ bị tiêu chảy đột ngột, nhiều lần trong ngày từ 10 – 15 lần/ ngày, thậm chí một số trẻ bị tiêu chảy đến 20 lần/ ngày.

Phân lỏng, nhiều nước, có lẫn nhày và có thể lẫn máu (trong trường hợp nguyên nhân gây tiêu chảy cấp do lỵ). Kèm theo đó, phân có mùi chua, tanh hoặc thối. Lượng phân mỗi lần trẻ đi ngoài có thể ít hoặc nhiều tùy thuộc vào chế độ ăn cũng như tình trạng bệnh.

☛ Nôn: Triệu chứng này thường xuất hiện trước khi trẻ đi ngoài từ 6 – 12 giờ. Trẻ có thể nôn một vài lần trong ngày hoặc liên tục, nhiều lần trong ngày.

Các bậc cha mẹ cần quan sát kĩ lưỡng triệu chứng này của trẻ, xem trẻ nôn bao nhiêu lần trong ngày, tính chất và thành phần của chất nôn (thức ăn, toàn nước hoặc có lẫn chất khác). Nhờ đó, cha mẹ có thể theo dõi được lượng dịch đã mất và bổ sung nước và điện giải cho phù hợp.

☛ Chán ăn: Tình trạng trẻ ăn uống kém, biếng ăn có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ bị tiêu chảy hoặc khi bị tiêu chảy kéo dài.

☛ Đầy bụng: Bụng trẻ hơi chướng lên hoặc trẻ cảm thấy bụng ậm ạch, khó chịu.

☛ Đau bụng đi ngoài: Triệu chứng này thường gặp ở trẻ ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh và xuất hiện vài giờ sau khi ăn.

tre-bieng-an
Trẻ bị tiêu chảy cấp thường biếng ăn, ăn uống kém

Biểu hiện mất nước

Toàn thân: Tùy thuộc vào mức độ mất nước nặng hay nhẹ mà trẻ có các biểu hiện khác nhau. Trẻ thường quấy khóc, vật vã khi bị mất nước nhẹ hoặc mệt lả, li bì, lờ đờ khi bị mất nước nặng.

Khát nước: Trẻ uống nước một cách háo hức hoặc uống kém, uống từng chút một.

Miệng, lưỡi khô: Cha mẹ kiểm tra bằng cách cho đầu ngón tay sạch vào miệng trẻ. Nếu đầu ngón tay vẫn khô thì đây là dấu hiệu trẻ bị mất nước.

Chun giãn da: Sau khi dùng tay véo vào da, nếp véo mất chậm hoặc rất chậm.

Chân, tay lạnh tím: Tay chân trẻ lạnh, da và móng tay có vân tím.

Mắt trũng, khô: Cha mẹ quan sát và đánh giá xem mắt trẻ so với bình thường có trũng không? Khi trẻ khóc có nước mắt không? Nếu câu trả lời là không thì đó là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị mất nước.

Thóp trước: Thóp trước của trẻ lõm hơn bình thường khi trẻ có dấu hiệu mất nước, nếu tình trạng mất nước càng nặng thì tình trạng lõm càng sâu.

Mạch: Mạch đập nhanh, yếu và khó bắt khi bị mất nước nặng.

thop-truoc-lom
Thóp trước của trẻ bị lõm sâu hơn bình thường khi trẻ bị mất nước

Biểu hiện khác

Sốt: Không phải tất cả trẻ bị tiêu chảy cấp đều có triệu chứng sốt. Sốt chỉ xảy ra khi trẻ bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ bị mất nước nặng cũng gây ra sốt.

Sụt cân: Mất nước do tiêu chảy là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sụt cân ở trẻ. Cha mẹ nên xác định chính xác cân nặng của trẻ trước và sau khi bù dịch để đánh giá số lượng dịch đã bù và việc bù dịch có đạt hiệu quả không.

Một số biểu hiện trên đường hô hấp: Ho, viêm họng cấp, chảy nước mũi,…

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các biểu hiện của trẻ khi bị tiêu chảy cấp trong video dưới đây:

Xem thêm: Trẻ bị tiêu chảy và sốt do đâu, cha mẹ cần làm gì?

Tiêu chảy cấp ở trẻ em có nguy hiểm không?

Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ nguy hiểm thế nào phụ thuộc vào mức độ mất nước ở trẻ nhỏ.

Mức độ mất nước nhẹ: Trẻ có các biểu hiệu kích thích, vật vã, mắt trũng. Thêm vào đó, trẻ uống nước một cách háo hức, dấu véo da mất chậm.

Mức độ mất nước nặng: Trẻ có các dấu hiệu như li bì hoặc hôn mê, mắt rất trũng, trẻ uống kém, thậm chí không uống được, nếp véo da biến mất rất chậm (lớn hơn 2 giây).

Trẻ mất nước ở mức độ nhẹ, cha mẹ có thể bổ sung nước, điện giải và theo dõi tại nhà. Nhưng nếu trẻ bị mất nước ở mức độ nặng mà không được điều trị và xử kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, có thể kể đến là:

☛ Mất nước và điện giải: Mất nước và mất cân bằng các chất điện giải (Natri, Kali, Clo) trong cơ thể làm rối loạn dẫn truyền tín hiệu ở não, nhịp tim bất thường, rối loạn cảm giác, co giật. Hậu quả cuối cùng là dẫn đến mất ý thức, giảm thể tích máu, sốc và hôn mê.

☛ Suy dinh dưỡng: Đây là một trong những hậu quả mà hầu hết trẻ nhỏ bị tiêu chảy cấp đều gặp phải. Trẻ thường có biểu hiện ăn uống kém, chán ăn. Ngoài ra, tình trạng tiêu chảy còn làm quá trình hấp thu thức ăn giảm đi đáng kể. Vì vậy, nếu cha mẹ không bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, kiêng khem quá mức có thể dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ.

☛ Ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể: Tiêu chảy nặng có thể dẫn đến suy thận, từ đó làm giảm lượng nước tiểu.

☛ Ảnh hưởng đến chức năng não bộ.

☛ Đọc thêm: Trẻ bị tiêu chảy ra máu là bệnh gì? Cha mẹ cần làm gì?

Điều trị trẻ bị tiêu chảy cấp như thế nào?

Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc trẻ tại nhà mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo:

Bổ sung nước và điện giải

Thống kê cho thấy khoảng 80% trẻ bị tiêu chảy cấp tử vong do mất nước và điện giải. Chính vì thế, việc bổ sung nước, điện giải đóng vai trò vô cùng quan trọng và các bậc cha mẹ nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Một trong những biện pháp bù nước và điện giải thông dụng đó là sử dụng dung dịch Oresol. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý pha Oresol theo đúng thể tích nước ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng để bổ sung đúng lượng dịch mà trẻ cần. Ngoài ra, cha mẹ không nên pha Oresol với nước trái cây hoặc cho thêm đường để trẻ dễ uống, vì điều này có thể làm sai lệch tỉ lệ điện giải có trong Oresol.

Liều dùng Oresol như sau:

  • Trẻ dưới 2 tuổi: Uống 50 – 100ml sau mỗi lần trẻ đi ngoài.
  • Trẻ lớn hơn 2 tuổi: Uống 100 – 200ml sau mỗi lần đi ngoài. Trong trường hợp trẻ bị nôn, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ khoảng 10 phút rồi tiếp tục cho trẻ uống từng thìa nhỏ.

Trong trường hợp không có Oresol, cha mẹ có thể bù nước và điện giải cho trẻ bằng cách uống nước gạo rang, nước cháo muối. Tuy nhiên, cha mẹ không nên sử dụng cách này thường xuyên bởi trong quá trình pha có sự sai lệch về tỉ lệ. Điều này càng làm mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể.

☛ Xem chi tiết: [Giải đáp] Tiêu chảy cấp bao lâu thì khỏi?

Chế độ dinh dưỡng

do-an-loang
Các bậc cha mẹ nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, ưu tiên những món ăn mềm, loãng, dễ tiêu hóa

➤ Trẻ bú mẹ: Tiếp tục cho trẻ bú mẹ như bình thường, có thể tăng số lần cho trẻ bú và kéo dài thời gian mỗi lần bú. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước giữa các cữ bú.

Đối với những trẻ uống sữa công thức, cha mẹ tiếp tục cho trẻ uống loại sữa trẻ vẫn uống trước đó, tăng số lần uống sữa và pha loãng sữa.

➤ Trẻ đã ăn dặm: Cha mẹ cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ bao gồm đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất, tránh kiêng khem quá mức.

Cha mẹ nên chế biến thành các món mềm, loãng, dễ tiêu hóa và nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Đặc biệt, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong quá trình chế biến thức ăn.

Một số thực phẩm nên có mặt trong thực đơn hàng ngày của trẻ, bao gồm:

  • Gạo (bột gạo), khoai tây, cà rốt.
  • Các loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất như táo, chuối, hồng xiêm,…
  • Thực phẩm giàu protein như thịt lợn nạc, thịt gà nạc, thịt bò,… giúp quá trình hồi phục của trẻ diễn ra nhanh hơn.
  • Sữa chua giúp bổ sung lợi khuẩn và tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa.

Cha mẹ cần lưu ý tránh cho trẻ ăn hoặc uống các thực phẩm, đồ uống sau:

  • Đồ uống chứa nhiều đường hoặc nước giải khát công nghiệp: Các loại nước này có thể làm tăng áp lực thẩm thấu, kéo nước vào trong tế bào lòng ruột, từ đó làm tăng số lần tiêu chảy ở trẻ.
  • Đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ.
  • Đồ hộp, thức ăn sẵn hoặc đồ ăn nhanh: Các thực phẩm này chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng ở mức rất thấp và quy trình chế biến thường không đảm bảo vệ sinh.
  • Các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như tinh bột nguyên hạt (đỗ, ngô), các loại rau thô (rau cần, măng). Các thực phẩm này có thể làm cho quá trình tiêu hóa của trẻ gặp nhiều khó khăn.

Bổ sung Kẽm

Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung kẽm là một trong những bước quan trọng trong chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp. Việc bổ sung Kẽm giúp làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của đợt tiêu chảy cấp cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát.

Lượng Kẽm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF khuyến nghị nên bổ sung cho trẻ bị tiêu chảy cấp là:

  • Đối với trẻ trên 6 tháng: 20 mg/ngày trong khoảng 10 – 14 ngày.
  • Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi: 10 mg/ngày, trong vòng 10 – 14 ngày.

Thuốc

Thuốc cầm tiêu chảy được khuyến cáo là không nên dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy không những không giải quyết được gốc rễ tình trạng tiêu chảy cấp mà còn khiến nó trở nên tồi tệ hơn.

Thuốc kháng sinh chỉ thực sự hiệu quả khi trẻ bị tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, cha mẹ không nên tự ý cho uống kháng sinh mà cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể khiến trẻ gặp các tác dụng không mong muốn và làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc.

Xem thêm: Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi cần làm gì?

Làm thế nào để phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ em?

uong-vacxin
Uống (tiêm) đầy đủ các mũi vắc-xin là một trong những biện pháp phòng ngừa tiêu chảy cấp hiệu quả

Tiêu chảy cấp là triệu chứng thường gặp ở trẻ em và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp để hạn chế thấp nhất khả năng trẻ bị tiêu chảy cấp.

✔ Thói quen sinh hoạt:

  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ cần rửa tay trước và sau khi thay tã.
  • Thường xuyên dọn dẹp, lau chùi nhà cửa.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh.
  • Hạn chế cho trẻ ngậm, mút đồ chơi.

✔ Thói quen ăn uống:

  • Vệ sinh, khử trùng dụng cụ pha sữa cho trẻ hàng ngày.
  • Ưu tiên cho trẻ bú sữa mẹ thay vì uống sữa công thức, tốt nhất cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.
  • Hạn chế ăn các đồ ăn sẵn, đồ ăn nhanh và đồ uống có gas.
  • Ăn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không nên ăn đồ ăn bảo quản trong tủ lạnh quá lâu.
  • Tránh ăn đồ ăn tái, sống như sushi, gỏi, tiết canh,…
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi.

Xem tham khảo: Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi cần làm gì?

Như chúng ta đã biết, virus Rota là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tiêu chảy cấp. Vì vậy, tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc-xin là một trong những biện pháp phòng ngừa tiêu chảy cấp hiệu quả.

Trên đây là toàn bộ những thông tin về tiêu chảy cấp ở trẻ em. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên, các bậc cha mẹ sẽ có thêm kiến thức để phát hiện và xử lý kịp thời khi trẻ bị tiêu chảy cấp.

Tài liệu tham khảo:

  • https://www.uptodate.com/contents/acute-diarrhea-in-children-beyond-the-basics#H1
  • http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tre-em/che-do-an-trong-benh-tieu-chay-cap-tinh-o-tre-em.html
Cập nhật lúc: 19/04/2024
⭐ Từ 27/07-06/08: Tích đủ 6 điểm Tràng Phục Linh (nhãn xanh), Quý khách sẽ được tặng ngay 1 hộp Bạch Cam Trà hoặc Tô Sơn Trà Tràng Phục LInh. Chương trình áp dụng song song với khuyến mãi Tích 6 điểm tặng 1 thường niên. Chi tiết chương trình, vui lòng liên hệ hotline miễn cước: 1800.1506
hot line

Tư vấn miễn cước gọi

18001506

Bài viêt liên quan

Xem thêm »

Có thể bạn quan tâm

Cảm giác khó chịu khi bị táo bón hầu như ai cũng đã từng trải qua. Sự khó chịu này

Cảm giác khó chịu khi bị táo bón hầu như

Viêm đại tràng là một bệnh lý đường ruột rất phổ biến tại Việt Nam, không chỉ khiến người bệnh

Viêm đại tràng là một bệnh lý đường ruột rất

Triệu chứng đau bụng, đi ngoài kéo dài gây chóng mặt toát mồ hôi là tình trạng nhiều người gặp

Triệu chứng đau bụng, đi ngoài kéo dài gây chóng

Sữa chứa nhiều dưỡng chất cơ bản quan trọng với cơ thể con người. Khi cơ thể mệt mỏi, đi

Sữa chứa nhiều dưỡng chất cơ bản quan trọng với

Đại dịch Covid -19 là từ khóa được nhắc nhiều nhất trong 2 năm qua, chúng gây ra những tổn

Đại dịch Covid -19 là từ khóa được nhắc nhiều

Loading...